Logo loading

VỀ CHỦ NGHĨA ẤN TƯỢNG

1, Chủ nghĩa Ấn tượng là gì? Cụm từ ‘Chủ nghĩa ấn tượng’ mô tả một phong cách hội họa phát triển ở Pháp trong khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ 19; đặc điểm của nó bao gồm các nét vẽ nhỏ, có thể nhìn thấy được, mang lại ấn tượng chỉ ở mức […]
|Viet Art View

1, Chủ nghĩa Ấn tượng là gì?

Cụm từ ‘Chủ nghĩa ấn tượng’ mô tả một phong cách hội họa phát triển ở Pháp trong khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ 19; đặc điểm của nó bao gồm các nét vẽ nhỏ, có thể nhìn thấy được, mang lại ấn tượng chỉ ở mức vừa đủ về hình dáng; màu sắc không hòa trộn; nhấn mạnh việc mô tả chính xác ánh sáng tự nhiên. Các họa sĩ mở đầu trường phái — bao gồm Claude Monet, Camille Pissarro, Alfred Sisley và Edgar Degas, trong số những người khác — kết nối với nhau bởi mong muốn bỏ qua các quy tắc nghiêm ngặt của hội họa hàn lâm. Đặc biệt, các họa sĩ đã tìm kiếm sự độc lập khỏi Académie des Beaux–Arts (Học viện Mỹ thuật) và Salon hàng năm của nó (vào thời điểm đó, salon hằng năm này được coi là cuộc triển lãm nghệ thuật lớn nhất thế giới phương Tây).

Claude Monet ‘Meules’ 1890 Sơn dầu trên toan; Đã bán với giá $110.7 triệu, 2019.

Thuật ngữ ‘Chủ nghĩa ấn tượng’ không phải là tên gọi được các họa sĩ mở đầu trường phái này lựa chọn — nó sinh ra từ một bài phê bình châm biếm của nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Louis Leroy (1812 – 1885) trong một bài báo về triển lãm đầu tiên của Société Anonyme Coopérative des Artistes Peintres, Sculpteurs , Graveurs (Hiệp hội ẩn danh của các họa sĩ, nhà điêu khắc, thợ khắc). Được tổ chức vào mùa xuân năm 1874, triển lãm bao gồm các tác phẩm của 30 họa sĩ trường phái Ấn tượng, và được coi là bước khởi đầu chính thức cho phong trào này. Trong bài đánh giá của mình, Leroy đã châm biếm bức tranh ‘Impression, Sunrise’ (Ấn tượng, Mặt trời mọc) 1872 của Monet: “Bản vẽ sơ bộ cho một mẫu giấy dán tường còn hoàn thiện hơn cảnh biển này.”

Alfred Sisley ‘Effet de Neige à Louveciennes’ 1874; Đã bán với giá $7.3 triệu, 2017.

Chủ nghĩa ấn tượng thường được coi là trào lưu hiện đại đầu tiên trong hội họa, một phần do làn sóng hiện đại hóa lớn hơn đã tạo ra những điều kiện truyền cảm hứng cho trào lưu này. Cuộc cách mạng công nghiệp và việc phát minh ra đường sắt đột nhiên mang lại nhiều thời gian giải trí cho người dân Paris thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn, đồng thời là cách để di chuyển về vùng nông thôn nhanh chóng và không tốn kém. Trong thời gian này, vào khoảng năm 1860, bốn sinh viên nghệ thuật — Monet, Sisley, Pierre–Auguste Renoir và Frédéric Bazille — đã gặp nhau khi theo học họa sĩ hàn lâm người Pháp Charles Gleyre. Trong thời gian rảnh rỗi, họ bắt đầu lên chuyến tàu đến các khu vực hẻo lánh xung quanh thành phố, nơi họ đặt giá vẽ giữa những cánh đồng hoặc bờ sông và cố gắng hết sức để ghi lại những tia sáng mặt trời thoáng qua do nước phản chiếu, những người làm thuê mải mê với công việc của mình, hay cảnh những người dân Paris tận hưởng một ngày Chủ nhật thảnh thơi trên bờ biển.

Pierre–Auguste Renoir ‘Femmes dans un jardin’ 1873; Đã bán với giá $12.2 triệu, 2007.

2, Những đặc trưng và phong cách của chủ nghĩa Ấn tượng

Không có sự thống nhất trong phong cách của trường phái Ấn tượng, nhưng các họa sĩ Ấn tượng đã chia sẻ những cách tiếp cận tương tự mang tính hiện đại. Thay vì bị giới hạn trong một xưởng vẽ, nhiều họa sĩ trường phái Ấn tượng thích vẽ trong ‘en plein air’ — không khí tràn đầy sức sống ở vùng nông thôn bên ngoài Paris; Cách tiếp cận này đòi hỏi họ phải vẽ nhanh nhưng vẫn bắt được những ấn tượng thoáng qua của ánh sáng. Các họa sĩ đã sử dụng những mảng sơn ngắn, có thể nhìn thấy được nét cọ để ghi lại ấn tượng tổng thể về đối tượng của họ, và hầu như không đặc biệt chú ý đến các chi tiết. Thay vì sử dụng sơn đen và xám để vẽ bóng đổ, các họa sĩ đã ghép các màu bổ sung. Bản thân các loại sơn này cũng sáng hơn so với các loại sơn được sử dụng trong các thời đại trước, do việc phát minh ra màu tổng hợp. Các họa sĩ áp các lớp sơn mới lên các lớp còn ướt, điều này làm mềm các hình dạng và tạo ra sự đan xen màu sắc độc đáo. Các lớp hiếm khi tạo cảm giác có thể nhìn xuyên qua — thay vào đó, nó thêm vẻ mờ ảo cho màu sắc.

Claude Monet ‘Cầu Charing Cross’ 1903; Đã bán với giá $27.6 triệu, 2019.

3, Ảnh hưởng từ Nhật Bản

Trong khi nội dung của các bức tranh theo trường phái Ấn tượng không phải là điều căn bản, thì bố cục của chúng lại là như thế. Ranh giới bị làm mờ giữa các đường nét của chủ thể và nền của nó, khiến nó trở thành một phần của tổng thể chứ không phải là chủ thể chính, và chủ thể dường như được chụp trong một khoảnh khắc — dưới dạng ảnh chụp nhanh — chứ không phải được tạo dựng. Cách tiếp cận mới này trùng hợp với sự ra đời của nhiếp ảnh và lấy cảm hứng từ những bức tranh in nghệ thuật ukiyo–e Nhật Bản.

Edgar Degas ‘La Classe de Danse’ khoảng 1873–76

Nghệ thuật ukiyo–e sử dụng cách vẽ rút gọn (hướng một đối tượng theo người xem để diễn tả cảm quan về phối cảnh ba chiều trên bề mặt hai chiều) bất đối xứng để tập trung cả chuyển động và hành động trong một cảnh. Đối với các họa sĩ Ấn tượng, kỹ thuật từ phương Đông này là một công cụ quan trọng trong việc khám phá một phong cách hội họa mới, hiện đại của họ.

4, Di sản của chủ nghĩa Ấn tượng

Trong thế giới phương Tây, những phản ứng, phê bình và việc diễn giải lại chủ nghĩa Ấn tượng đã truyền cảm hứng cho nhiều phong trào nghệ thuật Hiện đại sau đó.

Camille Pissarro ‘Prairie avec vaches, brume, soleil couchant à éragny’ 1891; Đã bán với giá $3.7 triệu, 2018.

Trường phái Ấn tượng đã tạo ra một tác động lâu dài đến âm nhạc và văn học cũng như nghệ thuật thị giác. Chủ nghĩa Ấn tượng trong âm nhạc bao gồm việc tạo ra ấn tượng về bầu không khí hoặc tâm trạng và trở nên phổ biến ở Pháp vào cuối thế kỷ 19. Đến lượt mình, các nhà văn và nhà thơ Pháp đại diện cho trường phái Ấn tượng với văn xuôi biến đổi cú pháp.

Ngày nay, các tác phẩm của các họa sĩ Ấn tượng vẫn giữ được giá trị đáng kinh ngạc, thu hút sự quan tâm không giới hạn giữa các nhà sưu tập tư nhân và các tổ chức công. Năm 2019, Sotheby’s bán bức ‘Meules’ của Monet với giá 110,8 triệu USD, lập kỷ lục mới cho ông; cùng năm đó chứng kiến ​​cuộc triển lãm hồi tưởng tại Paris’s Musée d’Orsay về các tác phẩm của Berthe Morisot, một nữ họa sĩ Ấn tượng hàng đầu.

Các tác phẩm của các nghệ sĩ trường phái Ấn tượng có thể được tìm thấy ở nhiều cơ sở công cộng trên khắp thế giới, bao gồm Bảo tàng Marmottan Monet, Paris; Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York; Phòng trưng bày Quốc gia, London; bảo tàng Musée d’Orsay, Paris; Bảo tàng Mỹ thuật, Boston; và Bảo tàng Di sản Quốc gia, St.Petersburg.

Nguồn: Sotheby’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top