Logo loading

VẺ ĐẸP HOANG DÃ

Ngày Trái Đất đang đến, cần phải nhớ rằng tình trạng của hành tinh không chỉ ảnh hưởng tới riêng con người. 12 tác phẩm nghệ thuật từng đến với Christie’s, tôn vinh những loài vật tuyệt đẹp mà tương lai của chúng nằm trong bàn tay chúng ta. 1, Mòng biển Trong khi các […]
|Viet Art View

Ngày Trái Đất đang đến, cần phải nhớ rằng tình trạng của hành tinh không chỉ ảnh hưởng tới riêng con người. 12 tác phẩm nghệ thuật từng đến với Christie’s, tôn vinh những loài vật tuyệt đẹp mà tương lai của chúng nằm trong bàn tay chúng ta.

1, Mòng biển

Trong khi các họa sĩ New York những năm 1940 và 1950 chuyển sang trừu tượng, Alex Katz thay vào đó lại là quán quân về tượng hình với những khoảnh khắc nhỏ thường ngày trong cuộc sống. Dành mùa hè của mình ở Maine, ông đã sử dụng một ngôn ngữ tạo hình tiên phong với đặc điểm là các mặt phẳng màu sắc phong phú, các đường đồ họa, với phong cách đại chúng riêng biệt.

Alex Katz (sn. 1927) ‘Mòng biển’ 1989. Sơn dầu trên Masonite 30.2 × 40.3 cm

Mặc dù nổi tiếng với những bức chân dung vẽ người vợ, cũng là nàng thơ của mình, Ada, Katz cũng vẽ tranh phong cảnh và động vật, trong đó có nhiều bức vẽ chú chó của gia đình. ‘Mòng biển’ được vẽ vào năm 1989, làm nổi bật khả năng của họa sĩ – biến những gì nhà phê bình Sanford Schwartz mô tả là ‘một khoảnh khắc bình thường trở thành huyền thoại và hoành tráng’. Không có manh mối về thời gian và nơi chốn, chúng ta tự hỏi con mòng biển này đang hướng đến đâu, và tại sao.

2, Những loài bốn chân của Bắc Mỹ

Nhà tự nhiên học và họa sĩ John James Audubon (1785–1851) đã làm nên tên tuổi của mình với ‘The Birds of America’, một nghiên cứu kỹ lưỡng về các loài chim ở Bắc Mỹ. Được in từ năm 1827 đến năm 1838, nó chứa 435 bức tranh màu nước với kích thước như thật và mất 10 năm để hoàn thành.

Vào năm 1843, Audubon, lúc này đã 58 tuổi, đã hành trình xuyên Rockies đến Great Plains, với mục đích lập danh mục các con thú bốn chân của lục địa này. Cuộc thám hiểm dẫn đến ‘The Quadrupeds of North America’ (Những loài bốn chân của Bắc Mỹ) cuốn sách in màu khổ lớn thành công nhất được sản xuất ở Mỹ vào thế kỷ 19.

John James Audubon (1785-1851) ‘Những loài bốn chân của Bắc mỹ’ 1845.

Audubon đặc biệt bị thu hút bởi những động vật lớn, nai sừng tấm, hươu, nai, gấu và sói, trong quan điểm của chủ nghĩa hiện thực chống lại nền tảng tự nhiên.

Nhiều tranh vẽ những loài động vật có vú nhỏ hơn, chẳng hạn như những con marmot này, được hoàn thành bởi con trai ông, John Woodhouse Audubon, khi sức khỏe và thị lực của người cha giảm sút. Còn phần nền được hoàn thiện bởi con trai út của ông, Victor Gifford, cũng là người theo dõi việc in ấn và xuất bản cuốn sách từ 1845 đến 1848.

3, Voi với bụi

Nick Brandt (sn. 1976), ‘Voi với bụi’ 2004. In màu 96.1 × 96.1 cm

 Nick Brandt, người Anh, bắt đầu chụp ảnh động vật ở các cảnh quan Đông Phi hơn 20 năm trước. Không phải cách mà người ta có thể gọi là chụp ảnh động vật hoang dã thông thường, Brandt mô tả những bức ảnh của mình là chân dung — tức là những bức tranh khắc họa chân dung từ cự ly gần (anh từ chối sử dụng ống kính tele). “Bạn sẽ không chụp ảnh một người cách xa 100 feet… và mong đợi nắm bắt được cá tính của họ”, anh nói.

Trong trường hợp ‘Voi với bụi’, Brandt đang ở trên vùng đồng bằng phủ đầy bụi của Vườn quốc gia Amboseli, Kenya, vào khoảng giữa trưa một ngày, “khi con voi đực này tự nhiên thong thả ngang qua”. Hình ảnh thu được rất nghệ thuật, trông có vẻ như được tạo dựng — thực ra đó chỉ là kết quả từ phản ứng tức thời của Brandt, chụp được khoảnh khắc chú voi tắm bụi, dùng vòi phun bụi lên mình nhằm xua đuổi ký sinh trùng.

4, Con hươu cảnh giác (‘Biche aux Augets’)

Năm 1725, họa sĩ người Pháp Jean–Baptiste Oudry (1686-1755) đã được mời đến vẽ hai chú chó săn giống Anh yêu thích của Vua Louis XV, Misse và Turlu. Quốc vương 15 tuổi đã tới xem buổi ngồi mẫu, và quá ấn tượng với bức vẽ, ông đã thuê Oudry vẽ tiếp những chú chó săn khác của mình, cũng như các loài vật họ gặp lúc đi săn — gần như liên tục trong ba thập kỷ tiếp theo.

Jean–Baptiste Oudry (1686–1755) ‘Con hươu cảnh giác (‘Biche aux Augets’)’ k. 1729. Sơn dầu trên toan 182 × 136 cm

Bức chân dung một con hươu với kích thước thật này được sáng tác vài năm sau khi Oudry đến làm việc cho hoàng gia, thể hiện tài năng xuất chúng của ông trong việc khắc họa động vật. Con hươu trong bức tranh thực sự đang trong trạng thái cảnh giác cao độ, đôi tai vểnh lên, bộ lông được vẽ khéo léo bằng những nét ngắn và sắc. Không lâu trước khi qua đời, họa sĩ đã có một bài giảng tại Học viện Hoàng gia về kĩ thuật tạo hình cho lông mao và lông vũ.

5, Một netsuke bằng gỗ hình chú ve sầu

Netsuke — loại đồ vật nhỏ buộc theo kimono, là những tạo tác của Nhật Bản bắt nguồn từ thế kỷ 17, thường mang hình dáng các loài động vật và côn trùng như chuột, khỉ, cá chép koi. Tạo tác bằng gỗ xinh đẹp này được làm vào thế kỷ 19, thời Edo, mang hình dáng một chú ve sầu, trên tác phẩm là chữ ký của Harumitsu, người đã khéo léo tạo hình đôi mắt lồi đặc trưng và lớp màng mịn trên cánh cho chú ve.

Netsuke bằng gỗ hình ve sầu, chữ ký Harumitsu, thời Edo (thế kỷ 19)

Nhật là ngôi nhà của khoảng 30 giống ve sầu khác nhau. Đặc trưng của loài là tiếng kêu ồn ào của con đực, được tạo ra bằng cách giãn và co một cơ quan gọi là tymbal. Tiếng kêu của ve sầu là một biểu trưng cho mùa hè. Ngày hè đến gần, trời nóng dần lên, tiếng kêu của ve sầu càng cao và vang hơn.

6, Cá heo

Họa sĩ người Anh David Shepherd (1930–2017) mơ ước được làm việc với các động vật châu Phi, nhưng cuối cùng lại trở thành họa sĩ vẽ những loài vật hoang dã mà ông muốn bảo vệ. Những năm 1950, sau khi bị từ chối cơ hội làm việc ở Nairobi, ông được họa sĩ chuyên về biển Robin Goodwin dạy cho những kiến thức cơ bản về sơn dầu.

David Shepherd (1930-2017) ‘Những chú cá heo’ Sơn dầu trên toan 66 × 51 cm

Trong ba năm, Shepherd đã học được giá trị của việc ‘gắn bó với một thứ’ và sự cần thiết của việc ở tại studio bảy ngày trong tuần. Quá trình làm việc cần cù đã được đền đáp, đến những năm 1970, những bức tranh vẽ voi, hổ, cá heo của Shepherd đã nằm trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của động vật hoang dã trên thế giới. Hàng triệu USD được quyên góp cho các dự án bảo tồn của Shepherd, dẫn đầu là Quỹ Thiên nhiên hoang dã David Shepherd.

7, Ếch Cây Thông Barrens

Năm 1983, Andy Warhol đã thực hiện seri silkscreen có tên ‘Các loài có nguy cơ tuyệt chủng’, các bức vẽ đầy màu sắc ảo giác về 10 loài động vật bao gồm hổ Siberia, gấu trúc khổng lồ, tê giác đen và ếch cây thông Barrens (một loài lưỡng cư bản địa ở đông nam Hoa Kỳ). Ý tưởng là khắc họa từng sinh vật một cách riêng biệt, để truyền đạt nguy cơ chúng phải đối mặt.

Andy Warhol (1928-1987) ‘Ếch cây thông Barrens, từ seri Các loài có nguy cơ’ 1983; 965 × 965 mm

Warhol đã từng miêu tả seri này một cách tự nhiên là “Động vật trang điểm”, vì màu sắc mà ông đã áp dụng. 10 loài vật làm mẫu được vẽ theo cách giống với Marilyn Monroe và Elizabeth Taylor của những thập kỷ trước. Ý tưởng của Warhol là mang lại cho các loài động vật tính biểu tượng giống như những gì ông đã dành cho những người nổi tiếng.

8, Hươu cao cổ

Những con hươu cao cổ nguy nga và con của chúng, kiếm ăn trên vùng đồng bằng trống trải dưới cái nắng gay gắt của châu Phi. Cảnh này được vẽ bởi Wilhelm Friederich Kuhnert (1865–1926), một họa sĩ người Đức, người được các giảng viên tại Đại học Nghệ thuật Berlin khuyến khích phát triển với các bức tranh động vật.

Wilhelm Friederich Kuhnert (1865-1926) ‘Những con hươu cao cổ’ Sơn dầu trên toan 77.5 × 135.3 cm

 

Không giống như những người cùng thời, Kuhnert thích nghiên cứu các loài động vật của mình trong môi trường sống bản địa của chúng chứ không phải nuôi nhốt. Ông đã đến Ai Cập, Ấn Độ và Đông Phi, dùng bút chì và than củi để phác họa những động vật hoang dã mà mình gặp. Sau đó, ông trở lại Berlin và biến những nghiên cứu này thành sơn dầu. Năm 1903, hình ảnh những tác phẩm của ông được lưu hành rộng rãi hơn khi chúng được in trên một loạt thẻ sưu tập do Stollwerck, một nhà sản xuất sô cô la ở Cologne phát hành.

9, Sói

Họa sĩ tiên phong, họa sĩ minh họa tranh khắc gỗ Norbertine von Bresslern–Roth (1891–1978) lần đầu tiên thực hiện các bản in màu về động vật vào những năm 1920. Cô đã đến thăm các vườn thú ở quê hương Áo và đi du lịch đến Bắc Phi để có thể ghi lại các loài động vật trong tự nhiên.

Norbertine Bresslern-Roth (1891-1978) ‘Những con sói’ 275 × 248 mm

Sinh ra ở Graz vào năm 1891, Bresslern–Roth lớn lên khi phong trào Ly khai Vienna đã bùng nổ, tách khỏi cơ sở bảo thủ để đón nhận một nền văn hóa hiện đại. Chịu ảnh hưởng của Tân nghệ thuật, ‘Những con sói’ sống động của Bresslern–Roth được sáng tác vào những năm 1920, là một phần của loạt tranh khắc gỗ được thực hiện để minh họa cho các câu chuyện của trẻ em.

10, Những con ngựa hoang

Ngựa là một chủ đề lặp đi lặp lại trong các bức tranh của họa sĩ Ấn Độ Maqbool Fidal Husain (1915–2011), ông có niềm đam mê với chủ đề động vật từ khi còn là một đứa trẻ, khi ngắm nhìn những hình nộm ngựa diễu hành trên đường phố Lahore vào các ngày lễ tôn giáo.

Maqbool Fida Husain (1915-2011) ‘Những con ngựa hoang’ Sơn dầu trên toan 76.2 × 121.9 cm

Khi được hỏi ý nghĩa của con ngựa trong các bức tranh của mình, họa sĩ giải thích rằng chúng là ‘đa chiều’. Hình tượng con ngựa đã được tôn kính từ thời cổ đại của nền văn minh Trung Hoa và La Mã. Bức sơn dầu ấn tượng này minh họa quan sát của Husain rằng những con ngựa của ông “trông giống như những tia chớp, chúng cắt ngang qua nhiều chân trời; hiếm khi trông thấy vó ngựa, chúng nhảy lên xung quanh các không gian.”

11, Khỉ đột núi một năm tuổi, Rwanda

Trong vài thập kỷ, nhiếp ảnh gia người Mỹ Peter Beard (1938–2020) đã ghi lại tác động có hại của loài người đối với châu Phi. Ông thường xuyên du lịch đến lục địa này – kể từ chuyến đi đầu tiên của ông khi còn là một thiếu niên vào năm 1955 – ông gọi con người là “những người ra quyết định sai lầm của một môi trường đang đi xuống”. Cuốn sách nổi tiếng nhất của Beard, ‘The End of the Game’ (Trò chơi kết thúc), kết thúc bằng một loạt các bức ảnh về những con voi đã chết vì đói.

Peter Beard (1938-2020), ‘Khỉ đột núi một năm tuổi, Rwanda’ 1984; 103.5 × 177.2 cm

‘Khỉ đột núi một năm tuổi, Rwanda’ là một tác phẩm cắt dán năm 1984 với một bức ảnh đen trắng của một con khỉ đột đơn độc trong tự nhiên, cùng với các phác thảo nhiều màu về các sinh vật kỳ ảo và đoạn trích từ một luận thuyết của nhà văn Cơ đốc giáo thời kỳ đầu Tertullian (khoảng 155 – 220). Beard đã nhìn thấy lời tiên tri của Tertullian: “Chắc chắn và hiển nhiên, nếu người ta nhìn vào toàn bộ thế giới, rằng nó đang trở nên đông đúc hơn… Số lượng của chúng ta là gánh nặng cho thế giới, nó khó có thể cung cấp cho chúng ta từ các yếu tố tự nhiên của nó.”

12, Bồ câu lữ hành

Bức khắc hai con chim bồ câu lữ hành này của Robert Havell dựa trên bức vẽ của John James Audubon cho cuốn sách nổi tiếng của ông, ‘The Birds of America’ (Những loài chim châu Mỹ).

Dựa trên bức vẽ của John James Audubon (1785-1851), tác phẩm của Robert Havell (1793-1878), ‘Bồ câu lữ hành (Bản LXII) Columba Biến thể Di trú 2’ 768 × 629 mm.

Người ta cho rằng chim bồ câu lữ hành từng là loài chim đông đúc nhất ở Bắc Mỹ. Năm 1813, Audubon mô tả một đàn di cư ở phía tây Kentucky như một ‘nhật thực’ che khuất cả ánh sáng mặt trời giữa trưa. Quần thể của chúng quá lớn khiến chúng bị săn bắt và đánh bẫy một cách bừa bãi, với niềm tin rằng không sự khai thác nào có thể làm giảm số lượng của chúng.

Vào những năm 1890, quy mô đàn hoang dã lên tới hàng triệu con đã giảm xuống chỉ còn vài tá. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1914, con chim bồ câu lữ hành cuối cùng được biết đến, một con cái 29 năm tuổi tên là Martha, đã chết tại vườn thú Cincinnati. Con người đã xóa sổ giống loài bồ câu lữ hành khỏi mặt đất.

Nguồn: Christie’s

Lược dịch bởi Viet Art View

 

Chia sẻ:
Back to top