Nguyễn Tư Nghiêm chỉ bắt đầu với sơn mài từ trong kháng chiến chống Pháp. Và trên thực tế, ở thời kỳ này, với sơn mài, ông cũng chỉ vẽ hơn 10 bức, có chung đề tài kháng chiến và chung một khuôn khổ nhỏ (chừng 20x30cm), và cũng chỉ vẽ trong khoảng hai năm 1948 và 1949.
Nguyễn Tư Nghiêm. Trạm gác. Sơn mài. 21x30cm
Nguyễn Tư Nghiêm. Tiểu đội pháo. Sơn mài. 21x30cm
Hai bức tranh giới thiệu ở đây: “Trạm gác” và “Tiểu đội pháo” – được Nguyễn Tư Nghiêm vẽ trên hai mặt của cùng một tấm vóc, và chúng dường như chắc chắn thuộc trong số hơn 10 bức tranh sơn mài đầu tiên ấy của ông.
Những bức còn lại hiện chưa rõ còn hay mất, hoặc đang lưu lạc ở đâu.
* * *
Có thể nói, trước khi đến với sơn mài, Nguyễn Tư Nghiêm đã được xem như một họa sĩ bậc thầy trong nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu và tranh khắc gỗ.
Năm 1944, tại Hà Nội, trong thời kỳ còn đang theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã giành giải nhất triển lãm Salon Unique cho toàn bộ tác phẩm tham dự: “Cổng làng Mía” (khắc gỗ màu), “Cảnh đồng quê” (sơn dầu) và “Người gác Văn Miếu Sơn Tây” (sơn dầu).
Tiếp theo, tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1948 tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, ông lại giành giải nhất với bức tranh khắc gỗ màu “Du kích Phù Lưu”. Tranh được báo Sự thật mua, trong tranh “thể hiện mấy anh nông dân quần áo nâu, vác mút-cơ-tông, đeo lựu đạn, đứng lố nhố trên mấy bậc đá xanh xây cao, bên cạnh là cây bàng mùa đông lá đỏ” (chữ Phù Lưu ở đây có thể là tên một làng ở huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An quê ông, nay thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh, chứ không phải làng Phù Lưu thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh).
Về tranh “Du kích Phù Lưu”, trong cuốn “Mỹ thuật hiện đại Việt Nam” xuất bản năm 1996, họa sĩ- nhà nghiên cứu Quang Phòng viết: “Nguyễn Tư Nghiêm đã bỏ hết các nét viền đen cố hữu trong tranh khắc gỗ từ trước tới đó, để hình mảng trần in mạnh mẽ trên nền giấy dó, gây cảm giác thanh thoát và vô cùng sinh động”.
Thiên tư nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm là cái thiên tư của một nhà cách tân, luôn luôn độc lập, phá cách và cực kỳ táo bạo. Ông đã từng sử dụng một tranh sơn dầu của mình làm phác thảo cho một tranh khắc gỗ, và với tranh sơn khắc, ông cũng đã từng có một thể nghiệm xuất sắc.
Việc Nguyễn Tư Nghiêm đến với sơn mài thực ra vừa mang tính tất nhiên vừa mang tính ngẫu nhiên. Là tất nhiên bởi nhu cầu phát triển nghệ thuật đòi hỏi. Là ngẫu nhiên bởi nó phát sinh từ một điều kiện cụ thể do bối cảnh lịch sử mang đến.
Về sự kiện này, cũng trong cuốn sách “Mỹ thuật hiện đại Việt Nam” kể trên, ở một chương khác, họa sĩ Quang Phòng viết:
“Năm 1947, Tô Ngọc Vân lúc đó là trưởng đoàn Văn hóa Cứu quốc ở Khu 10, đoàn gồm Thế Lữ, Phan Khôi, Bùi Huy Phồn, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khang… cùng hoạt động, công tác và sáng tác văn nghệ. Tô Ngọc Vân đã tổ chức một xưởng khắc và in tranh tuyên truyền trên một cái đồi lớn ở làng Xuân Áng – giữa xứ sở của cây sơn Phú Thọ. Nhân dịp tốt đó, ông và Nguyễn Tư Nghiêm tranh thủ nghiên cứu và sáng tác tranh sơn mài và cũng chính tại nơi đây, hai họa sĩ đã tìm được màu lục, bổ sung cho mảng màu sơn mài một hệ sắc lạnh mà xưa nay nó vẫn thiếu.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm
Năm 1948, với màu lục vừa tìm được, Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tác tranh ‘Bộ đội thổi sáo dưới nhà sàn’ tuyệt đẹp. Mấy tàu lá chuối xanh rờn đột ngột hiện lên dưới ánh nắng như reo hát cùng cái bắp chuối đỏ tía son nhì, kích thích mạnh mẽ hòa sắc vàng-son, đem lại cho nó một màu bổ túc mới mẻ, xưa nay chưa từng có trong thế giới sơn mài truyền thống. Tô Ngọc Vân, người chủ yếu góp phần tìm ra cái màu quý giá ấy đã phải xuýt xoa lên trước một thành công rực rỡ. Làm sao có thể ngờ rằng màu xanh lục với các biến thể của nó lại có thể gây nên hiệu quả kỳ diệu đến thế, ông hào hứng bắt tay ngay vào sáng tác tranh ba tấm ‘Chạy giặc trong rừng’ với sự phối hợp các sắc thái màu xanh, nhưng phải bỏ dở để sáng tác tranh sơn dầu ‘Hà Nội vùng đứng lên’ để dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1948”.
Theo một bản ghi chú về tiểu sử của Nguyễn Tư Nghiêm được lập ra dựa trên lời kể của ông, bức tranh “Bộ đội thổi sáo dưới nhà sàn” còn có tên gọi “Sinh hoạt văn nghệ ở một tiểu đội pháo”, và đó cũng là bức tranh vẽ bằng sơn mài đầu tiên trong sự nghiệp hội họa của ông, sau đã được dùng làm quà tặng Đại hội Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức ở Berlin năm 1951. Những bức còn lại của loạt hơn 10 tranh sơn mài khổ nhỏ đề tài kháng chiến đã được ông tiếp tục sáng tác rải rác từ 1948 đến 1949, có thể không chỉ ở Xuân Áng (Hạ Hòa, Phú Thọ), mà còn gồm cả thời gian ông làm phụ trách xưởng họa Hội Văn nghệ Việt Nam ở Thái Nguyên.
Thực may mắn vì trong loạt tranh đó ít nhất vẫn còn hai bức chúng ta đang thấy ở đây. Nếu không sẽ chẳng có gì để ta biết được về một thời kỳ quan trọng của người họa sĩ bậc thầy, ngoài những dòng chữ mô tả của các chứng nhân lịch sử.
“Màu xanh lục trong sơn mài – về sau Nguyễn Tư Nghiêm nói – không phải là một phát hiện gì, mà do kháng chiến đòi hỏi. Vì vẽ bộ đội nên nghĩ đến màu xanh”. Ông cũng nói: “Cái gì cũng có hiện thực cả, nhưng không để hiện thực chi phối”.
Từ thuở ban đầu cho đến khi kết thúc sự nghiệp, hiện thực trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là hiện thực của nhận thức – một thứ hiện thực “sắc sảo”, luôn luôn hướng tới mục tiêu kiến tạo. Bắt đầu tạo hình từ năm lên 6 và thích nặn hơn là vẽ, từ trẻ đã say mê nghiên cứu nghệ thuật Đông Sơn và điêu khắc đình- chùa làng, từ đáy sâu bản thể, Nguyễn Tư Nghiêm là một nghệ sĩ “khắc”, và có thể nói, bản năng khắc và hội họa của ông luôn luôn song hành với nhau.
* * *
Năm 1949, tại Hội nghị tranh luận văn nghệ do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức ở Yên Dã, Đại Từ, Thái Nguyên, trong khi “phê phán” các bức tranh sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm vẽ về đề tài kháng chiến, người ta vẫn cứ khăng khăng cho rằng tranh sơn mài không có đầy đủ khả năng để “diễn tả tạo vật” với tư cách của một thể loại hội họa đích thực. Và rõ ràng vào thời điểm ấy, tranh sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm mà Tô Ngọc Vân hết mực khen ngợi và cổ vũ – đã bị coi là một vế đối lập của “tranh tả thực” (mà kháng chiến đang cần) và bị xếp cùng loại với “thơ không vần” của Nguyễn Đình Thi.
Tuy nhiên, những tư tưởng có phần cực đoan muốn phủ nhận giá trị của hội họa sơn mài dưới tác động ban đầu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa khi ấy đã trở nên vô tác dụng. Có người thì cho rằng vẽ sơn mài là “húc đầu vào tường”. Nguyễn Tư Nghiêm và Tô Ngọc Vân thì vẫn thấy ở sơn mài một “đường tiến”.
Và con đường tiến ấy, qua lịch sử và cho đến tận ngày hôm nay, đã càng ngày càng thênh thang, rộng rãi. “Sơn mài” gần đây đã được công nhận là một thuật ngữ quốc tế, nhằm cố định khái niệm về một thể loại nghệ thuật, đồng thời chỉ rõ một giá trị độc nhất vô nhị riêng có của hội họa Việt Nam.
Riêng với hai bức tranh sơn mài đang hiện diện ở đây: “Trạm gác” và “Tiểu đội pháo” – nơi hội tụ khá đầy đủ cách nhìn hiện thực và khả năng đơn giản hóa, đồ họa hóa, khắc hóa đặc biệt sắc sảo của Nguyễn Tư Nghiêm – chúng ta như đã nối được trọn vẹn hành trình của ông trong nghệ thuật sơn mài nói riêng, trong nghệ thuật hội họa của ông nói chung. Việc phân tích, lý giải sự ra đời của các bức tranh sơn mài kiệt tác của Nguyễn Tư Nghiêm về sau như “Con nghé quả thực”, “Đêm giao thừa bên Hồ Gươm”, hay “Múa cổ”, “Gióng” – kể từ đây dường như đã có những cơ sở khoa học xác thực và vững chắc. Vẻ mai một theo thời gian của hai bức tranh chúng ta đang thấy dường như không làm mất đi sức mạnh vốn có của chúng, mà trái lại, càng làm cho chúng trở nên huyền ảo, ẩn giấu ở bên trong những âm vọng rì rào phát ra từ tâm hồn của người nghệ sĩ đang tắm mình trong một thời đại tranh đấu vì độc lập, tự do của dân tộc cách nay đã gần ba phần tư thế kỷ.
NGUYỄN TƯ NGHIÊM
Từ đầu những năm 1960 thường ký trên tranh là “nge”.
– Sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 tại làng Trung Cần, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhân sĩ phong kiến.
– Mất ngày 15 tháng 6 năm 2016 tại Hà Nội, thọ 98 tuổi.
– Học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (vào năm 1941, kết thúc ngày 9 tháng 3 năm 1945).
– Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc năm 1952.
– Nguyên giảng viên Trường Mỹ thuật Việt Nam, Khóa Kháng chiến (từ 1952 đến 1954), giảng viên Trường Mỹ nghệ Hà Nội (từ 1959 đến 1960).
– Nguyên họa sĩ sáng tác trực thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam.
– Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.
– Tác giả tranh sơn mài “Gióng”, sáng tác năm 1990, thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2017.
Bài viết của Nhà phê bình Mỹ thuật Quang Việt
Bản quyền thuộc về Viet Art View