Logo loading

“VIETNAMESE LADY” CỦA DANH HỌA LÊ PHỔ VỚI MỨC GIÁ KHỞI ĐIỂM RẤT CAO – CÓ ĐÁNG NHƯ KỲ VỌNG…

Lê Phổ (1907 – 2001). Vietnamese Lady. 1938. Lụa. 28,5×23,5cm Với một nhà sưu tập hoặc kinh doanh nghệ thuật, một bức tranh được yêu mến, được săn đón, được kiếm tìm…phải bỏ rất nhiều kinh phí, để đấu trí-đấu giá mang về nhà, đặt trong bộ sưu tập của mình (hoặc bán)… hiển nhiên […]
|Viet Art View

Lê Phổ (1907 – 2001). Vietnamese Lady. 1938. Lụa. 28,5×23,5cm

Với một nhà sưu tập hoặc kinh doanh nghệ thuật, một bức tranh được yêu mến, được săn đón, được kiếm tìm…phải bỏ rất nhiều kinh phí, để đấu trí-đấu giá mang về nhà, đặt trong bộ sưu tập của mình (hoặc bán)… hiển nhiên phải là một bức tranh đẹp, đáng đồng tiền bát gạo.

Nghĩa của từ “đẹp” rất rộng. Với chủ đề phụ nữ thì “xinh đẹp, dịu dàng, thùy mị, đoan trang, nết na…”, là những mỹ từ dành riêng cho từ “đẹp”, dành được nhiều thiện cảm, thương mến.

Ngày 28.8.2022, tại Sotheby’s Singapore, trong một phiên đấu online, bức “Vietnamese Lady”, lụa, 28,5×23,5cm, sáng tác khoảng 1938 của danh họa Lê Phổ, giá khởi điểm từ 620k-1 triệu đôla Singapore; liệu có vượt ngưỡng 1 triệu đôla Mỹ, tương đương khoảng 23,7 tỷ VNĐ? Viet Art View nghĩ rằng khó. Khó theo suy nghĩ tích cực của một số dealer.

– Thứ nhất: Kích thước tranh nhỏ, không thể đắt quá nếu không có gì đặc biệt

– Thứ hai: Đề tài không có gì đột phá, lạ kỳ để trầm trồ kinh ngạc (theo mọi nghĩa) so với các sáng tác “chân dung nữ” khác của Lê Phổ.

– Thứ ba: Những gì thể hiện trên mặt tranh mới là quan trọng nhất. “Các thứ các thứ” để làm nên tên tuổi và giá trị của họa sĩ chính là những gì trên bề mặt tranh. Đó chính là tạo hình, hòa sắc, chủ đề, phong cách như thế nào…để tạo nên sự khác biệt.

Bức tranh “Vietnamese Lady” khắc họa chân dung một cô gái với tạo hình “áo trắng, khăn vấn tóc trắng, khăn trắng quàng cổ”, ngồi trên một cái ghế có thiết kế đăc trưng kiểu thức Indochina những năm đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội; trên ghế là viền của chiếc khăn với gam màu (xanh,đỏ) đặc trưng Lê Phổ (về sắc)…chấm hết.

Cô gái này có đặc trưng của hình tượng “Vietnamese Lady” không? Cũng có nhưng không hẳn…

Điểm nhấn chính của tranh là “diện”. Khuôn mặt cô gái trong tranh không gây được thiện cảm nhiều với người đối diện. Tranh chân dung thường gây yêu mến, thương nhớ từ người xem ở phần “diện, sắc” mà chúng ta hay gọi là “thần thái” thì ở bức tranh này “thần thái” của cô gái gây cảm giác trông có gì đó “không thật, hơi cứng, đôi môi chúm chím không ăn nhập…” mà theo nhận xét của một, hai nhà sưu tập (đã sở hữu tranh triệu đô Mỹ) là trông “không thích”.

Và tất nhiên khi hỏi “anh có đấu không?” thì đều lắc đầu “rẻ cũng không đấu chứ đừng nói là đắt như thế”.

Nhưng các phiên đấu giá đều có những biến chuyển, đột phá không thể ngờ. Đôi khi, “tưởng không đắt mà đắt không tưởng” và “tưởng đắt thì hóa ra lại rất mềm, rất êm”.

Tất cả điều đó phụ thuộc vào độ hiểu, độ say..và “ngân lượng”…của người đấu.

Còn bức này về Việt Nam hay không thì khá là chắc rồi. Vì chỉ có người Việt Nam mới mua những gì thuộc về Việt Nam “hơn giá” thôi…

Và mua với mức giá bao nhiêu thì chúng ta chờ đến ngày 28.8.2022 nhé…

Bài viết bởi Viet Art View

Bản quyền thuộc về Viet Art View

Chia sẻ:
Back to top