Duy Liêm (Trần Duy Liêm, 1916-1994). Lễ thân nghinh*. 1950. Lụa. 57x107cm
Theo sách “Sài Gòn – Chuyện đời của phố”, tập 1, của tác giả Phạm Công Luận-nhà nghiên cứu văn hóa bậc nhất hiện nay ở Sài Gòn, trong bài viết “Duy Liêm- họa sĩ của đại chúng” có viết: “Sài Gòn có nhiều họa sĩ tên tuổi được báo chí miền Nam nhắc đến, nhất là từ thập niên 1960 trở về sau. Tranh của họ hiện diện trong các cuộc triển lãm sang trọng, các phòng khách lộng lẫy.
Duy Liêm, một tài năng nghệ thuật riêng lẻ, đứng hẳn một góc đời và vẫn còn lấp lánh trong ký ức nhiều người miền Nam. Có người từng ví ông như là họa sĩ Katsushika Hokusai (Nhật Bản) của Việt Nam vì có cùng có sự nghiệp sáng tác đồ sộ, tuy là tầm cỡ khác nhau nhưng đều gắn bó với đời sống của dân tộc mình và ảnh hưởng tới nền nghệ thuật đương thời”.
Họa sĩ Duy Liêm sáng tác tranh riêng không nhiều. Ông chủ yếu sáng tác tranh mẫu cho các hãng. Trong một bài viết của Nhất Uyên- con rể của họa sĩ Duy Liêm: “Họa phẩm của ông đi vào đời sống người Việt hàng ngày. Ai cũng nhớ đến những màu sắc vui tươi, những đường cong, nét gẫy hình khối, từ tờ giấy bạc thời Việt Minh, đến áo dài bà Ngô Đình Nhu, bức tranh Nhạc Sầu đoạt giải nhất Đông Nam Á hiện còn trang hoàng nơi phòng khách vị Thủ tướng Mã Lai, đến bìa nhạc, bìa sách từ 1954 đến 1990, đến tranh sơn mài Thành Lễ, Lam Sơn, đồ gốm Biên Hòa, tranh thêu Thu Hà, thảm, đồ thủ công, bìa sơn mài, hộp sơn mài… và hàng trăm tấm tranh lụa, sơn dầu đã được bán ra ngoại quốc…”.
Họa sĩ Duy Liêm (góc trái cửa vào) đưa khách tham quan xưởng làm tranh sơn mài ở Công ty Thành Lễ
Lúc đương thời, họa sĩ Tạ Tỵ và Duy Liêm được đánh giá có ngôn ngữ tạo hình theo trường phái Lập thể. Theo ông Huỳnh Hữu Ủy, bên cạnh “tiếng nói của Tạ Tỵ có tiếng vang trong một mức độ cao thuộc các tầng lớp trí thức, các giới hoạt động văn hoá nghệ thuật” thì họa sĩ Duy Liêm “đưa được tiếng nói mới mẻ của nghệ thuật hiện đại trên bề rộng, đến với quần chúng khắp nơi”. Ông khẳng định: “Chính ở điểm này, chúng ta phải công nhận một cách rất khách quan là hoạ sĩ Duy Liêm đã có công rất lớn trong việc nâng cao và hiện đại hoá cảm quan thẩm mỹ của đại chúng Việt Nam”. (sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố, Phạm Công Luận)
Họa sĩ Duy Liêm, tên thật Trần Duy Liêm, sinh năm 1916 tại Phan Thiết. Cha là Trần Duy Hinh, một nhà tư sản và mẹ là bà Trương Thị Hạnh, nữ hộ sinh có tiếng trong vùng; em trai là diễn viên Trần Duy Chánh…Ông tốt nghiệp trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định, khoa Hội họa Trang trí năm 1937 cùng với họa sĩ Bùi Văn Kỉnh. Duy Liêm là người đa tài khi thành thạo nhiều loại nhạc cụ như violin, accordeon, banjolin, guitar, đàn tranh…(sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố, Phạm Công Luận)
Chân dung họa sĩ Duy Liêm (Trần Duy Liêm, 1916-1994)
Bức tranh lụa của họa sĩ Duy Liêm do Viet Art View giới thiệu lần này không có chữ ký. Nhưng có mấy lý do sau đây dùng làm dẫn chứng tư liệu để đi đến một nhận định- đây là tác phẩm chân bản do họa sĩ Duy Liêm sáng tác.
Thứ nhất, theo lời kể từ chính người mua; đó là một Việt kiều Pháp. Bức tranh được bà mua từ họa sĩ Duy Liêm vào khoảng những năm thập niên 1970 (là bức tranh đầu tiên bà mua). Bà có mối thân tình với gia đình họa sĩ Duy Liêm. Ngoài tranh của Duy Liêm, bà còn sở hữu nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Đỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Thái…Bà cho biết, tất cả các bức tranh trong bộ sưu tập cá nhân của bà đều được bà mua từ tác giả. Lý do mua cũng rất giản dị, dùng tranh như một phần trang trí cho các căn nhà riêng sang trọng của bà.
Năm nay bà đã hơn 70 tuổi, sống cả ở Việt Nam, Pháp và Mỹ. Bà đặc biệt yêu thích bức tranh nên đã đem theo bức tranh bên mình trong nhiều lần di chuyển nơi cư trú mấy chục năm qua. Từ Việt Nam, qua Pháp, qua Mỹ rồi lại mang về Việt Nam. Hiện nay, tranh thuộc một bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội.
Thứ hai, con gái của họa sĩ Duy Liêm là bà Duy Mỹ và chị Hồ Đắc Anh Thi (con gái bà Duy Mỹ – cháu ngoại của họa sĩ Duy Liêm) đã xác nhận, bà D, Việt kiều Pháp, người mua bức tranh những năm thập niên 1970 là người quen biết của gia đình. Bà Duy Mỹ đã xem tranh qua ảnh chụp và chị Thi cũng đã xem trực tiếp tranh…
Thứ ba, dựa trên chính bức tranh về bút pháp, ngôn ngữ tạo hình, phong cách nghệ thuật để có thể nhận ra – đây chính là một tác phẩm do họa sĩ Duy Liêm sáng tác. Một nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng thế giới có nói “nếu một bức tranh không tìm được xuất xứ thì phải dựa vào chính những gì được thể hiện trên chính bề mặt của nó”.
Họa sĩ Phạm Cung cho biết “tranh của Duy Liêm với phong cách lập thể rất được ưa chuộng những năm trước 1975. Nét vẽ của Duy Liêm độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ họa sĩ nào, sinh động và lột tả được tâm trạng nhân vật trong tác phẩm, tạo được cảm xúc của người xem bằng các nét vẽ gãy khúc rất riêng biệt…”. (sách Sài Gòn-Chuyện đời của phố, Phạm Công Luận)
Tạo hình nhân vật nữ của Duy Liêm thường có đôi mắt nhìn xuống, trầm lặng và buồn.
Bức tranh lụa này có kích thước theo lối nhị phân, 57x107cm, miêu tả một đám rước lớn, đông nhân vật, nhiều chi tiết trang trí. Thoạt nhìn (chưa nhìn kỹ từng chi tiết) chúng ta nghĩ ngay tới một đám rước có chủ đề “vinh quy bái tổ”.
Dân gian có câu “Nghi vệ dàn ở bên đường – Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau”. Hình ảnh này được khắc họa rõ nét trong tranh “Ông nghè vinh quy”của Nguyễn Khang (1944, sơn mài của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và trong bức “Vinh quy bái tổ”, lụa của Trần Văn Thọ…
Chị Hồ Đắc Anh Thi cũng gửi cho Viet Art View tham khảo bức tranh lụa chủ đề “Vinh quy bái tổ” hiện đang thuộc sở hữu của gia đình họa sĩ.
Đây là một trong những bản mẫu theo chủ đề “Vinh quy bái tổ” của Duy Liêm. Một vài bản mẫu kiểu này được hãng Thành Lễ đưa vào sản xuất, trở thành một trong những mẫu tranh sơn mài được ưa chuộng.
Như ở phần trên đã đề cập, bức tranh mô tả cảnh một đám rước mà Viet Art View thấy mô-típ khá tương đồng với chủ đề “Vinh quy bái tổ”.
Duy Liêm (Trần Duy Liêm, 1916-1994). Lễ thân nghinh*. 1950. Lụa. 57x107cm
Nhưng, sau khi xem xét kỹ các miêu tả nhân vật, trang phục, đồ vật, tư trang, chúng tôi nhận thấy, có thể chăng đây là khung cảnh một “lễ thân nghinh”? (một trong sáu nghi lễ trong cưới hỏi của người Việt xưa – Lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghinh) hay theo cách gọi dân gian “vu quy-rước nàng về dinh”, dựa theo những chi tiết sau đây:
– Chữ “song hỷ” (Hán Nôm) được họa sĩ tạo hình tỉ mỉ, rõ nét trên thân thân đôi đèn lồng, ngay chính giữa tranh
– Nhân vật nam ngồi trên ngựa, tay cầm tráp gỗ, phủ khăn (có thể là đồ sính lễ). Nếu đỗ đạt làm quan, đầu thường đội mũ cánh chuồn chứ không đội khăn xếp đen bình thường.
– Nhân vật nữ ngồi trong kiệu, cổ đeo vòng vàng mặt ngọc, kiềng vàng…là những món đồ nữ trang thường được trao trong lễ cưới.
– Một số đồ sính lễ hoặc của hồi môn của nhà gái rương (hòm) đựng tư trang, đồ đạc, các tráp gỗ, lợn lễ, chóe rượu…
đã cho thấy đây là quang cảnh “một lễ thân nghinh-vu quy” hơn là “một lễ vinh quy bái tổ”.
Trong một bức ảnh đen trắng, chụp năm 1866, mô tả cảnh một lễ thân nghinh ở khu vực phía nam, có nhiều chi tiết tương đồng với bức tranh của Duy Liêm.
Khung cảnh tại một đám cưới ở Sài Gòn năm 1866. Đây là một trong những hình ảnh xưa nhất về đám cưới được chụp ở Việt Nam. Ảnh: Emile Gsell
Dựa vào việc phân tích chi tiết những dữ kiện trên đây, Viet Art View muốn gửi tới bạn yêu nghệ thuật một góc nhìn khác về nội dung mà họa sĩ Duy Liêm có thể đã chủ ý trong bức tranh này. Chỉ cần một vài chi tiết khác đi cũng đã thay đổi “định hình chủ đề” của một tác phẩm.
Theo lời kể của người mua, họa sĩ Duy Liêm cho biết ông sáng tác vào thập niên 1950 khá hợp lý. Chị Hồ Đắc Anh Thi cũng xác nhận bức tranh này (có thể được) ông ngoại chị vẽ khoảng những năm (cuối) thập niên 1950 hoặc 1960. Sau trên dưới 70 năm, sau nhiều lần di chuyển nơi ở qua Pháp, qua Mỹ rồi lại về Việt Nam, bề mặt lụa đã có khá nhiều vết thời gian, bị ố đôi chỗ, có một vài chỗ lụa mỏng bị rơi ra, một vài vết rạn nhỏ; mực màu đã thấm vào các thớ lụa rất sâu khiến cho toàn bộ bức tranh nhuốm màu thời gian…
Về mặt nghệ thuật bố cục, bút pháp, hòa sắc – màu xanh lá non; các chi tiết tạo hình đặc trưng- nét gãy khúc của hình – mái tóc – khuôn mặt thể hiện rất đậm nét ngôn ngữ hội họa của Duy Liêm. So với những sáng tác khác của Duy Liêm là tương đồng và hợp lý.
Khi được hỏi về bút tích của họa sĩ Duy Liêm trên bức tranh lụa “Vinh quy bái tổ” đang thuộc sở hữu của gia đình thì chị Hồ Đắc Anh Thi cho biết – không có bút tích mà do gia đình nghĩ là như vậy thì hợp lý. Sau khi tiếp cận các chi tiết do Viet Art View đưa ra, chị đã có một cách nhìn khác về chủ đề.
Vậy, chủ đề bức tranh có phải là “lễ thân nghinh” hay không? Chúng tôi rất mong sự nhận định khách quan nhất từ giới chuyên môn cũng như người yêu thích và am hiểu nghệ thuật.
Rất may mắn, Viet Art View mời được chị Hồ Đắc Anh Thi (nhân chuyến công tác Hà Nội của chị) tới ngắm nhìn (trực tiếp) bức tranh này. Hình ảnh tác phẩm cũng đã được gửi (bằng video quay trực tiếp) cho bà Duy Mỹ xem.
Chị Hồ Đắc Anh Thi (cháu ngoại của họa sĩ Duy Liêm) chụp ảnh bên tác phẩm Lễ thân nghinh*
Chị Thi rất xúc động khi được ngắm nhìn một bức tranh lụa hiếm do ông ngoại của mình sáng tác cách đây 70 năm ở Hà Nội…
P/s: * Tên tác phẩm do Viet Art View tạm đặt
Bài viết bởi Viet Art View
Bản quyền thuộc về Viet Art View