Willem de Kooning
Willem de Kooning ‘Phụ nữ I’ (1950-52)
Willem de Kooning ‘Phụ nữ II’ 1952
Willem de Kooning không thích sự tuân thủ. Mặc dù trở thành một trong những họa sĩ có ảnh hưởng nhất của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, ông đã chống lại liên hệ với phong trào này. Việc tuân thủ một phong cách duy nhất — cụ thể là một phong cách khăng khăng muốn để lại hình ảnh đại diện — là quá hạn chế đối với nghệ sĩ người Hà Lan ở New York. Ông đã phức tạp hóa hết sức sự trừu tượng thuần túy bằng cách gắn các hình dáng vào trong những nét vẽ náo động và các hình thức sinh học mơ hồ, như trong kiệt tác Woman I [Phụ nữ I] (1950–52).
“Một số họa sĩ, bao gồm cả tôi, không quan tâm họ đang ngồi trên chiếc ghế nào… Họ không muốn ‘ổn định theo phong cách’”, ông giải thích trong một bài giảng năm 1951, có tựa đề “Nghệ thuật trừu tượng có ý nghĩa như thế nào đối với tôi” tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. “Những nghệ sĩ đó không muốn tuân thủ,” ông tiếp tục. “Họ chỉ muốn được truyền cảm hứng.”
Trong suốt sự nghiệp kéo dài bảy thập kỷ của de Kooning, ông đã có nhiều bài giảng và phỏng vấn tiết lộ nguồn cảm hứng đằng sau những sáng tác bùng nổ, thay hình đổi dạng của mình. Dưới đây, Artsy nêu bật một số bài học cho các nghệ sĩ có thể thu thập được từ những chia sẻ của ông. Chúng khám phá tầm quan trọng của đối thoại, quan sát, phá hủy biểu tượng và thậm chí cả thất bại.
Bài #1: Đừng e ngại việc chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm của nghệ sĩ khác
Willem de Kooning ‘Asheville’ 1948
Khi de Kooning 21 tuổi, vào năm 1926, ông chuyển từ Hà Lan đến Hoa Kỳ để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật thương mại. Nhưng sau khi hạ cánh xuống Manhattan, ông đã gặp một số nghệ sĩ đã thúc đẩy mình tập trung vào thực hành cá nhân. Sự phát triển ban đầu xoay quanh cuộc đối thoại với những người cùng thời, và ông thường ghi nhận món nợ của mình với các họa sĩ đồng nghiệp Arshile Gorky, Stuart Davis, và đặc biệt là John Graham. “Tôi thật may mắn khi đến đất nước này và gặp được ba chàng trai thông minh nhất trong lĩnh vực,” ông nói trong cuốn tiểu sử Willem de Kooning, 1904–1997: Những điều hàm chứa trong một cái nhìn thoáng qua (2004) của Barbara Hess. “Họ biết tôi có đôi mắt của riêng mình, nhưng không phải lúc nào tôi cũng nhìn đúng hướng. Tôi chắc chắn đã có lúc cần sự giúp đỡ.”
De Kooning luôn tự hào khi thừa nhận tầm ảnh hưởng của các đồng nghiệp đối với tác phẩm của mình. Ông bị ảnh hưởng đặc biệt bởi Gorky, người mà ông yêu mến gọi là “ông chủ”, như curator Susan Lake đã chỉ ra. “Tôi rất vui vì không thể thoát khỏi ảnh hưởng mạnh mẽ của anh ấy,” de Kooning viết về người bạn và đồng nghiệp của mình, trong một ấn phẩm năm 1949 của ARTnews.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi chính thức, có tổ chức giữa các nghệ sĩ. Năm 1949, de Kooning và 17 nghệ sĩ khác, bao gồm Gorky, Franz Kline và Ad Reinhardt, thành lập The Club, một căn áp mái trên Phố Đông số 8, nơi họ tụ tập để nói chuyện về cái đẹp (và cả việc uống rượu). Các cuộc trò chuyện vào tối thứ Sáu hàng tuần được đặt tên là “Chủ đề của nghệ sĩ” và sau đó là “Studio 35”. “Việc đó là rất quan trọng, đến đó cùng nhau, tranh luận, suy nghĩ,” de Kooning giải thích với Anne Parsons trong một cuộc phỏng vấn vào cuối những năm 1960.
Người nghệ sĩ cũng muốn xem tác phẩm của các nghệ sĩ đồng nghiệp trong các cuộc triển lãm xung quanh New York. “Bạn hoàn toàn có thể nói rằng anh ấy đã nhìn thấy mọi thứ,” vợ ông, họa sĩ Elaine de Kooning, từng nói với nhà sử học nghệ thuật Sally Yard. Tuy nhiên, sở thích của ông không chỉ giới hạn trong tác phẩm của các đồng nghiệp; tiếp thu các tài liệu tham khảo từ lịch sử cũng trở thành một phần không thể thiếu. “Picasso và Matisse đã chỉ đường cho chúng ta và chúng ta điền vào cá tính riêng của mình,” ông nói vào năm 1982. Ông công khai những nguồn từ Rembrandt, Cézanne, Ingres, các biểu tượng Lưỡng Hà và các bức bích họa của Pompeian trong sáng tác của mình. “Những bức tranh của tôi đến nhiều hơn từ những bức tranh khác,” ông khiêm tốn nói với Harold Rosenberg năm 1972. “Đây là niềm vui trong cuộc sống của tôi — khám phá những gì tôi thích trong những bức tranh.”
Bài #2: Tìm kiếm những cái nhìn thoáng qua tạo cảm hứng từ thế giới xung quanh chúng ta
Willem de Kooning ‘Đặc quyền (Vô đề XX)’ 1985
Không giống như hầu hết các đồng nghiệp theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng của de Kooning, việc quan sát thế giới xung quanh — trái ngược với cuộc sống bên trong — đã cung cấp động lực ban đầu cho các bức tranh của ông. Ông từng tự gọi mình là người mang “cái nhìn trượt qua” hay một họa sĩ vẽ từ những nội dung chớp nhoáng ông gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Trong một cuộc phỏng vấn ấn tượng năm 1960 với nhà phê bình David Sylvester, ông đã giải thích điều này: “Nội dung, nếu bạn muốn nói, là một cái nhìn thoáng qua về một cái gì đó, một cuộc gặp gỡ, bạn biết đấy, giống như một tia chớp — đó là nội dung rất nhỏ, rất nhỏ.” Nói cách khác, những phần nội dung truyền cảm hứng cho các yếu tố trong tranh sơn dầu của de Kooning không phải là sản phẩm của sự quan sát có kế hoạch, được tính toán trước, mà là sự nhận thức thoải mái về môi trường xung quanh.
Những mảnh màu sắc hoặc các vật thể ngẫu nhiên được nhìn thấy ngang qua Manhattan hoặc Long Island, nơi ông sống sau này, có thể truyền cảm hứng cho một bức tranh hoặc cả một series. Nhà sử học nghệ thuật Richard Shiff viết: “Người nghệ sĩ liên kết cái nhìn thoáng qua với kiểu ‘đang xảy ra’ bình thường nhất — ai đó ngồi trên ghế, hoặc một vũng nước phản chiếu ánh sáng. Khuôn miệng mà ông nhìn lướt qua trên tạp chí đã truyền cảm hứng cho tâm điểm của series “Woman” [Phụ nữ]: nụ cười rộng và răng của cô ấy. “Nếu tôi thực sự nghĩ về nó,” de Kooning giải thích với Sylvester về những mảnh nội dung này, “nó sẽ xuất hiện trong bức tranh.”
Nhưng de Kooning không quan tâm đến những phẩm chất chính thức của những cái nhìn thoáng qua này nhiều bằng những tác động tâm lý của chúng. Ông đã tìm cách vẽ nên “cảm xúc của một trải nghiệm cụ thể”, như ông đã nói với Sylvester, chứ không phải bản thân vật thể đó hay cuộc gặp gỡ.
Bài #3: Chú ý đến những mong muốn của bản thân chứ không phải những lời phê bình
Willem de Kooning ‘Marilyn Monroe’ 1954
Willem de Kooning ‘Đông Hampton XVII’ 1968
Phương pháp tiếp cận hội họa mang tính thử nghiệm, chiết trung của De Kooning không phải lúc nào cũng được các đồng nghiệp ngưỡng mộ. “Không có hình ảnh nào đại diện cho phong cách của anh ấy hoặc đặc trưng cho sự nghiệp của anh ấy, chẳng hạn như các bức tranh vẽ bằng cách đổ màu của Jackson Pollock và các địa hình trừu tượng của Clyfford Still,” Lake giải thích trong Willem de Kooning: Những chất liệu của họa sĩ (2010).
Ông pha trộn các phong cách, một cách táo bạo — đáng chú ý nhất là tượng hình và trừu tượng — cách thực hành đã không phù hợp với các nhà phê bình truyền thống và tiến bộ của thời đại. “Các nhà phê bình bảo thủ phàn nàn về nỗ lực của nghệ sĩ trong việc kết hợp giữa trừu tượng và tượng hình theo chủ nghĩa biểu hiện,” trong khi “những quán quân của nghệ thuật ‘cấp cao’ đã tấn công de Kooning vì sự trở lại bảo thủ với nghệ thuật tượng hình”, Lake tiếp tục.
Nhưng người họa sĩ vẫn trung thành cam kết với sự lai tạo. Ông từng nói: “Ngay cả những hình dạng trừu tượng cũng phải có một sự giống nhau.”
Nhiều lần, de Kooning từ chối trở thành thành viên chính thức của American Abstract Artists, một tổ chức đã hạn chế việc sử dụng tượng hình của ông. Trong một tuyên bố kèm theo tấm toan đen-và-trắng Bức tranh (1948) của mình, một bố cục trừu tượng kết hợp các yếu tố của vẽ tượng hình, ông thể hiện thái độ khinh thường của mình đối với việc tuân theo một phong cách hoặc phong trào duy nhất một cách mù quáng: “Tôi không quan tâm đến việc ‘trừu tượng’ hoặc giảm thiểu hội họa thành thiết kế, hình thức, những đường kẻ và màu sắc,” ông viết. “Tôi vẽ theo cách này bởi vì tôi có thể tiếp tục đưa ngày càng nhiều thứ vào — kịch tính, giận dữ, đau đớn, tình yêu, một hình dáng, một con ngựa, ý tưởng của tôi về không gian.”
Năm 1960, Sylvester hỏi de Kooning về phản ứng mà ông nhận được, khi gắn hình ảnh dễ nhận biết vào trừu tượng. Người họa sĩ đáp lại một cách thẳng thắn và cương quyết: “Họ đã tấn công tôi vì điều đó, một số nghệ sĩ và nhà phê bình. Nhưng tôi cảm thấy đây là vấn đề của họ, không phải của tôi… Tôi e rằng mình sẽ phải làm theo mong muốn của mình.”
Bài #4: Tiếp nhận những gì không hoàn hảo — ngay cả thất bại
Thomas Hoepker ‘Willem De Kooning trong studio của ông ở Đông Hampton’ 1997
De Kooning không né tránh thất bại. Trên thực tế, ông tin rằng “nghệ thuật nghiêm túc sẽ không còn tiềm năng của nó,” như nhà sử học nghệ thuật Robert Storr đã giải thích. Có lẽ đáng ngạc nhiên là khái niệm đã thúc đẩy sáng tác của de Kooning. “Thất bại phải lấy đi toàn bộ cuộc sống của bạn, cuộc sống chủ động,” họa sĩ từng nói. Thông thường, ông sẽ làm lại các bức tranh nhiều lần, để những sai sót định hướng cho sáng tác tiếp theo.
De Kooning giải thích rằng việc chấp nhận thất bại và sự không hoàn hảo đã nhấc gánh nặng khỏi ông, đồng thời mở ra những phương thức thử nghiệm mới. “Tôi được tự do hơn… Tôi có cảm giác rằng bây giờ tôi đang hoàn toàn ở đây,” ông giải thích trong “Nghệ thuật trừu tượng có ý nghĩa như thế nào với tôi.” “Thậm chí không suy nghĩ về giới hạn của một người, bởi vì chúng phải đến một cách tự nhiên. Tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì bạn có, bạn đều có thể làm nên điều kỳ diệu với nó, nếu bạn chấp nhận nó.”
Ngay cả khi ở độ tuổi 70 và 80, de Kooning vẫn tiếp tục thử nghiệm. Những bức tranh của ông trở nên lỏng hơn, giảm bớt, sôi nổi hơn. Storr mô tả sự thay đổi này, một phần là do không sợ hãi và sự sẵn sàng với thất bại. “Thất bại sẽ xác nhận ý kiến của những người đã nóng lòng chờ đợi bằng chứng xác thực về sự sa sút của ông ấy,” Storr viết. “Nhưng de Kooning chưa bao giờ sợ thất bại.”
“Tôi chưa bao giờ quan tâm, bạn biết đấy, làm thế nào để tạo ra một bức tranh đẹp,” họa sĩ nói với Sylvester ngay từ năm 1960. “Tôi không muốn một định nghĩa.” Nói cách khác, việc chấp nhận sự không hoàn hảo đã giải phóng de Kooning, từ đó ra đời những bức tranh sơn dầu táo bạo và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật.
Nguồn: Artsy
Lược dịch bởi Viet Art View