Họa sĩ Inguimberty (1896-1971), cái tên quen thuộc với người yêu hội họa Việt Nam. Nếu họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937), Nguyễn Nam Sơn (1890-1973) – hai họa sĩ được nhận định trong nhiều tư liệu với tư cách đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì Inguimberty luôn được nhắc đến như một trong những người thầy dạy trang trí tận tâm, có nhiều đóng góp đào tạo, xây dựng nhân lực cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước cách mạng tháng 8.
Joseph Inguimberty sinh ngày 18 tháng 1 năm 1896 tại thành phố cảng Marseille xinh đẹp, thuộc Địa Trung Hải, miền Nam nước Pháp.
Ông đỗ vào trường L’Ecole des Beaux-Art Marseille – Trường Mỹ thuật ở Marseille năm 1910, theo học song song khóa học chuyên về kiến trúc.
Năm 1913, Inguimberty được nhận vào École Nationale Supérieure des Arts – Trường Nghệ thuật trang trí Quốc gia.
Năm 1915-1918, trong Thế chiến thứ nhất, ông nhập ngũ, chiến đấu trong một đơn vị bộ binh.
Chiến tranh kết thúc, ông trở lại trường Nghệ thuật và giành được học bổng du học tại Hà Lan vào năm 1920. Khi ở Hà Lan và Bỉ, ông sáng tác chủ đề về cuộc sống của công nhân ở các mỏ than ở đó.
Ông giành giải Prix Blumenthal vào năm 1922 và giải Prix Quốc gia về hội họa năm 1924.
Cơ duyên gắn bó với Việt Nam của ông vào ngày 13 tháng 8 năm 1925, khi ông đặt bút ký bản hợp đồng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội theo lời mời của họa sĩ Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên của trường…
Chắc hẳn ông cũng không thể ngờ tới, ông sẽ gắn bó với Việt Nam hơn 20 năm, từ 1925 đến 1946. Nơi đây, ông cũng đã gặp gỡ người vợ của mình là Jeanne Bensa. Hai người kết hôn năm 1942.
Trong suốt những năm tháng sống, làm việc, dạy học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đi thăm thú nhiều nơi ở Việt Nam. Phong cảnh trong sáng tác của ông trải khắp hầu hết các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc như Hạ Long – Quảng Ninh, Cảng Hải Phòng, Đường Lâm – Sơn Tây, Chợ Bờ – Hòa Bình, Sapa – Lào Cai…